TP. Hồ Chí Minh xác định cực tăng trưởng mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Khám phá
Đăng bởi Quản trị lúc 14:17, September 12, 2022

Công nghiệp – dịch vụ, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là cực tăng trưởng mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều tồn tại trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật cho biết, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP. Hồ Chí Minh thời gian qua còn nhiều những hạn chế. Điển hình như, các ngành công nghiệp đang có những dấu hiệu chững lại do đang mất dần lợi thế cạnh tranh. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành; sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa còn chưa cao.

Việc xác định và tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực gồm cơ khí; chế biến lương thực – thực phẩm; hóa chất – nhựa – cao su và ngành điện tử – công nghệ thông tin không còn tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của thành phố trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số hiện nay. Thậm chí, một số ngành không còn phù hợp là trọng điểm trong tình hình mới.

Dẫn ví dụ cụ thể, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 10.234 doanh nghiệp hoạt động trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói trên, tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành giai đoạn từ năm 2011 đến 2020 là 17,27%/năm nhưng chưa bền vững và sức cạnh tranh chưa cao, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số (hơn 97%), khả năng cạnh tranh còn thấp.

Tốc độ tăng năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh và cả nước giai đoạn 2000 – 2020.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất trên địa bàn ngày càng tăng dẫn đến xu hướng doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư ra các tỉnh lân cận ngày càng nhiều. Quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, chỉ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa về diện tích, giá thuê. Tính liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất công nghiệp các ngành, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển và liên kết vùng còn khá chậm.

Cùng với đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội so với tiềm năng, vị thế của đầu tàu kinh tế cả nước. Số liệu từ Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho thấy, số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án trên địa bàn thời gian qua chưa đạt 1 triệu USD, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 97% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành phố.

Ngoài ra, các yếu tố về hạ tầng giao thông kết nối cũng chưa theo kịp nhu cầu phát triển, những điều này khiến việc phát triển của thành phố cũng như vùng kinh tế trong điểm phía Nam chưa tương xứng với tiềm năng.

Xác định cực tăng trưởng mới

Tại hội thảo Khoa học Quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức sáng ngày 28/7 tại TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật đề xuất TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác cần có cực tăng trưởng để xác định động lực, để tập trung đầu tư thay vì đầu tư dàn trải. Đây là cơ hội không chỉ cho phát triển kinh tế trong nước mà trong cả xây dựng quan hệ với các nền kinh tế trên thế giới.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, cực tăng trưởng mới được xác định là một tập hợp các ngành, công nghiệp – dịch vụ, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao. Những ngành này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho kinh tế vùng trọng điểm phía Nam. Đồng thời là “bệ đỡ” cho phát triển vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm; đặt con người vào vị trí trung tâm; lấy hiệu quả kinh tế – xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ. Đồng thời, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

“Bên cạnh việc tiếp tục kiên trì các giải pháp duy trì, phát triển những động lực tăng trưởng hiện có về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và tạo động lực tăng trưởng mới như phát triển vùng, liên vùng, đô thị, kinh tế biển, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cuối cùng, phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới có tính chiến lược theo từng giai đoạn. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách để ngăn chặn cơ bản tình trạng chảy máu chất xám.

Nguồn Báo Công thương